Trường Đại học Thủy lợi và Công ty Cổ phần JFILS (Nhật Bản) đẩy mạnh các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu
21/03/2023 00:00
Nước thải trong các ngành như: Chế biến thực phẩm, thủy hải sản, sản xuất bia, nước ngọt, giết mổ gia súc... có hàm lượng hữu cơ cao, khó xử lý. Nhưng với phương pháp "Xử lý nước thải giàu hữu cơ bằng công nghệ lên men hoạt tính CMs" đã cho kết quả khả quan, chất lượng nước sau xử lý nằm trong giới hạn cho phép.
Theo đó, phương pháp "Xử lý nước thải giàu hữu cơ bằng công nghệ lên men hoạt tính CMs" được phát triển bởi Công ty Cổ phần JFILS, chuyển giao công nghệ cho Trường Đại học Thủy lợi, quy mô phòng thí nghiệm bước đầu đã có những kết quả khả quan, chất lượng nước sau xử lý nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 40:2011/BTNMT, cột B.
TS. Bùi Thị Thủy – Trưởng nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Thủy lợi công bố kết quả đề tài nghiên cứu "Xử lý nước thải hàm lượng hữu cơ cao bằng công nghệ lên men hoạt tính CMs". Ảnh: Bình Minh
Kết quả nghiên cứu trên được nhóm nghiên cứu thuộc Bộ môn Kỹ thuật và Quản lý môi trường, Khoa Hóa và Môi trường (Trường Đại học Thủy lợi) chia sẻ tại Hội thảo "Xử lý nước thải giàu hữu cơ bằng công nghệ lên men hoạt tính CMs".
Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 3/2022, nằm trong khuôn khổ hợp tác về nghiên cứu khoa học giữa Bộ môn Kỹ thuật và Quản lý môi trường và Công ty Cổ phần JFILS (Nhật Bản).
Theo TS. Bùi Thị Thủy – Trưởng nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Thủy lợi, hiện nay, nước thải giàu hữu cơ (hàm lượng BOD5 > 1000 mg/L) rất khó xử lý, các phương pháp xử lý truyền thống như công nghệ bùn hoạt tính chưa xử lý hiệu quả, phát sinh mùi và lượng bùn dư khá lớn.
Phương pháp lên men hoạt tính CMs là phương pháp sử dụng các phân tử protein có chất xúc tác để xử lý các chất hữu cơ trong nước thải. Phương pháp này đã chứng minh được hiệu quả trong việc khử mùi hôi, giảm lượng bùn dư phát sinh sau quá trình xử lý và chất lượng nước sau xử lý đạt QCVN 40:2011/BTNMT, cột B.
Phương pháp lên men hoạt tính CMs được nhóm nghiên cứu thử nghiệm trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Bình Minh
Ở quy mô phòng thí nghiệm, mô hình được lắp đặt và vận hành tại phòng thí nghiệm kỹ thuật môi trường với nguồn nước thải thô được lấy từ nhà máy sữa, hàm lượng BOD5 dao động từ 1000 – 4000 mg/L, sau xử lý đạt < 50 mg/L (giá trị quy định trong cột B, QCVN 40:2011/BTNMT).
Không chỉ thành công trong nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, phương pháp lên men hoạt tính CMs còn được ứng dụng trong thực tế tại cảng cá Ngọc Hải (quận Đồ Sơn, Hải Phòng), bước đầu cho kết quả xử lý tốt, nước thải sau xử lý được tái sử dụng làm nước rửa nền.
PGS.TS Nguyễn Cảnh Thái, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Bình Minh
Đánh giá kết quả nghiên cứu của các giảng viên bộ môn Kỹ thuật và Quản lý môi trường, Giám đốc Công ty cổ phần JFILS, ông Tani Kazumi cho rằng, đây là phương pháp mang tính bước ngoặt trong xử lý nước thải có nồng độ hữu cơ từ mức trung bình đến cao.
PGS.TS Nguyễn Cảnh Thái, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi nhận định, đây là bước quan trọng để Trường Đại học Thủy lợi và Công ty Cổ phần JFILS tiếp tục phối hợp, mở rộng hơn nữa kết quả nghiên cứu. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp, trường đại học, cơ sở nghiên cứu có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong ngành công nghệ kỹ thuật môi trường.
Theo Báo Dân Việt